Thân thế Lỗ Tuyên công

Cơ Uy là con trai trưởng của Lỗ Văn công, vị vua thứ 20 của nước Lỗ, mẹ là Kính Doanh, thiếp thị của Lỗ Văn công[1]. Tuy Uy là con trai trưởng và Kính Doanh rất được Văn công sủng ái, nhưng vì đã có bà phu nhân Khương thị sinh ra hai công tử Ác và Thị, nên không lập Uy là thế tử. Kính Doanh không chịu an phận, nên thường liên lạc với đại phu nắm quyền là Đông Môn Tương Trọng, tức Trọng Toại (con Trang công, chú Lỗ Văn công) để gửi gắm Tiếp về sau.

Năm 609 TCN, Lỗ Văn công mất[3]. Theo phong tục của nước Lỗ thì người con đích là công tử Ác kế ngôi, nhưng chưa chính thức làm lễ lên ngôi. Trọng Toại được cử đi sứ Nước Tề cảm tạ việc dự tang và chúc mừng Tề Huệ công mới lên ngôi, đã nói tốt với Tề hầu về công tử Uy, và có ý cầu thân công chúa của Tề cho Công tử. Mùa đông cùng năm, sau khi Trọng Toại trở về nước thì lừa giết công tử Ác và công tử Thị ở chuồng ngựa. Thúc Trọng Huệ Bá là anh của Thúc Tôn Đắc Thần (một trong Tam Hoàn) phản đối việc làm của Trọng Toại, cũng bị Toại lừa vào cung giết chết. Phu nhân Khương thị tức giận bỏ về nước Tề, người Lỗ vì thương cho bà nên gọi là Ai Khương, hay Xuất Khương[1][4].

Em cùng mẹ với Tuyên công là Công tử Thúc Hật bất bình vì anh mình giết vua soán ngôi, nên không nhận bổng lộc của triều đình nữa mà tự khâu giày bán để kiếm ăn. Tuyên công nhiều lần ban tặng các đồ dùng và thức ăn nhưng Thúc Hật đều không nhận, cứ sống như một người dân thường đến khi chết.